Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) Trường ĐH Cần Thơ, nhưng Nguyễn Tấn Sang (23 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) rẽ hướng trồng mít ruột đỏ, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn mít rộng 2,4 ha, xung quanh lắp đặt hệ thống tưới tiêu hiện đại, Sang chia sẻ tâm huyết và định hướng phát triển khu vườn của mình.
Sang kể gia đình có thời gian dài canh tác lúa và trồng nhãn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, khi đang học đại học năm thứ 1, Sang đọc báo thấy mô hình trồng mít ruột đỏ giống Indonesia có nhiều ưu điểm nên nhen nhóm ý tưởng trồng loại mít này.
Sang kiểm tra mít ruột đỏ đến kỳ thu hoạch
Sau khi tìm hiểu, trang bị được chút kiến thức, Sang thuyết phục cha mẹ cho mua mít ruột đỏ về trồng. Thật vui, cha mẹ đều ủng hộ. “Lúc đầu, cha và tôi cũng tính chuyển đổi sang trồng sầu riêng giống các nhà vườn địa phương. Nhưng qua tìm hiểu trên báo, đài, biết giống mít ruột đỏ có nhiều tiềm năng nên tôi mua về trồng, chấp nhận 5 ăn 5 thua”, Sang kể.
Cây mua về trồng, Sang vừa đi học, vừa tranh thủ cùng cha chăm sóc khu vườn. Dựa vào lợi thế ngành học công nghệ thông tin, Sang tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để nhanh chóng quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Đến năm 2023, sau khi ra trường, Sang quyết định tạm gác bằng đại học để tập trung phát triển vườn mít.
Mít chất lượng múi độ ngọt cao hơn, giòn hơn, thời gian bảo quản lâu hơn từ 3 – 5 ngày
Ban đầu, Sang nhập 500 cây mít giống với giá 200.000 đồng/cây về trồng trên diện tích 1 ha. Sau đó, nhân giống, trồng thêm 500 cây trên diện tích 1,4 ha. Đến nay, tất cả đều đang cho trái. “Ban đầu, khi chọn mít ruột đỏ về trồng giữa vùng trồng sầu riêng, ai cũng không tin tôi thành công. Với lại, giá cây giống khi đó cao quá, tôi mua về cũng giấu nhẹm. Ai hỏi cũng cười cho qua, mãi đến khi trồng thành công, bà con mới biết tôi trồng giống mít ruột đỏ. Hiện 500 cây trồng đầu tiên cho trái lần 3; 500 cây còn lại cũng đang bắt đầu cho thu hoạch”, Sang cho biết.